Những “Sai Lầm” Thường Gặp Khi Mới Bắn Cung

Những “Sai Lầm” Thường Gặp Khi Mới Bắn Cung

Lao vào luyện tập thật nhiều, lâu lâu nhìn lại, mình sẽ phát hiện những lỗi “sai quá sai” bản thân trong quá trình bắn cung. Đó có thể là một điểm sai nhỏ trong kỹ thuật hoặc có khi là một “sai lầm” lớn trong cách nghĩ, trong phương pháp luyện tập… Dù là sai lầm kiểu nào đi nữa, một khi đã nhận ra thì mình nghĩ đó có thể là một cơ hội để mình bắn cung tốt hơn.

Trải nghiệm của mỗi cung thủ ắt hẳn sẽ rất khác nhau tùy hoàn cảnh. Bài viết là những kinh nghiệm đúc kết của riêng mình trong suốt quá trình luyện tập bắn cung trong thời gian qua tại CLB Bắn cung Trần Quan.

"Bắn cung là một quá trình không ngừng cải thiện bản thân."

Mục lục

Chỉ tập trung ngắm

“Làm sao để ngắm vào vàng?”

Hầu như mọi người đến bắn cung, sau khi trải qua vài phát bắn đầu tiên đều sẽ thắc mắc vấn đề: “Làm thế nào để ngắm vào vàng (tâm bia)?”; “Ngắm vào đâu để bắn trúng?”. Hầu hết mọi người nghĩ việc bắn chính xác chỉ phụ thuộc vào việc ngắm, những thứ khác không quan trọng. Đó chính là sai lầm đầu tiên.

Việc ngắm tốt có thể sẽ giúp cải tăng độ chính xác khi bắn cung – cũng có những cung thủ không cần ngắm cũng trúng và chính xác. (Đến CLB bạn có thể yêu cầu các admin trình diễn cho bạn xem về việc “không-cần-ngắm-cũng-bắn-trúng”)

  • Cung trần (barebow) sẽ có cả một “vùng trời nghệ thuật” về điểm ngắm ảo/ đi dây/ quan sát đường tên để việc ngắm bắn dễ hơn.
  • Cung trợ lực (compound bow) cũng có một hệ thống thấu kính, ống ngắm để nhìn mục tiêu to và rõ.
  • Cung recurve cũng có thước ngắm, điểm ngắm để bạn tập trung vào tâm. 

Nhưng việc ngắm tốt không phải là tất cả – hay đúng hơn, nó chỉ là một phần nhỏ tí teo trong bắn cung. Đó lại là sai lầm lớn nhất của mọi cung thủ từ nghiệp dư tới chuyên nghiệp: chỉ tham ngắm vào vàng mà không quan tâm đến mọi thứ khác đang sai sai.

Cải thiện tư thế, động tác nhằm cải thiện độ chính xác khi bắn cung

Dù bạn có ngắm tốt đi nữa nhưng tư thế bắn cung “sai lầm” thì kết quả bắn cung của bạn đảm bảo cũng xuống dốc theo. 

"Ngắm bắn - Tư thế bắn - Kết quả"

Tư thế, động tác có ảnh hưởng gì đến độ chính xác?

  • Kéo dây cung không đúng độ dài (kéo quá nông hoặc quá sâu) -> làm tên bay ra yếu hơn hoặc mạnh hơn -> mũi tên đáp chỗ cao chỗ thấp.
  • Tay cầm dây cung không ổn định đúng chỗ -> thay đổi góc độ của mũi tên -> mũi tên đáp tùm lum chỗ:
    • Tay thấp: mũi tên bay cao.
    • Tay cao: mũi tên bay thấp
    • Tay qua trái: mũi tên bay qua phải
    • Tay qua phải: mũi tên bay qua trái
  • Bung ngón tay quá mạnh làm cho dây cung lệch mạnh, mũi tên bay không thẳng, đáp tứ tung.
  • Tay cầm cung lúc thẳng, lúc cong, làm dây cung kéo nông hoặc sâu hơn bình thường -> mũi tên đáp không đều.
  • Nghiêng đầu, ngắm sai mắt, đứng không thẳng, sai hướng,… cũng làm thay đổi góc độ hướng bắn so với hướng ngắm -> mũi tên bay lung tung.

Đảm bảo, tất cả người mới nào cũng có đủ các combo này. Áp dụng với cả bắn súng, chỉ cần lệch vài ly nhỏ xíu, bạn luôn có thể bắn trật hoặc kém chính xác.

Động tác, tư thế, yếu lĩnh tốt sẽ giúp loại bỏ/hạn chế những lỗi trên – cải thiện đáng kể độ chính xác khi bắn cung. Và nó cũng là con đường duy nhất cho tất cả các cung thủ, xạ thủ trên toàn thế giới

Bạn thực sự quan tâm đến độ chính xác trong bắn cung thì hãy bắn đầu luyện tập một “động tác chuẩn” từ bây giờ. Nếu đi học bắn cung chuyên sâu tại nhiều nơi trên thế giới, học viên sẽ buộc phải mài dũa động tác và không được ngắm bắn – vì việc ngắm bắn là vô nghĩa nếu như mọi tư thế chưa “chuẩn”.

Bạn có thể tham khảo một số bài viết về kỹ thuật cơ bản và cách bắn cung trên website của CLB Trần Quan.

""Bắn đúng thì sẽ bắn trúng."

Ham hố bắn xa

Gần quá bắn chán òm

Cùng đứng ngang hàng trên một vạch bắn nhưng có người lại được bắn xa tít ở 10m,15m thậm chí là 30m và hơn thế nữa… Còn mình chỉ có thể bắn ở cự ly 3m, 5m hay nhiều nhất là 7m. Đôi khi mình cũng không kìm nổi tính hiếu kỳ/ tò mò/ ghen tị/ hứng thú và muốn thử “xăm mình” ra bắn xa xem thử thế nào.

Việc được phép bắn xa hay gần thì phụ thuộc phần lớn vào sự đồng thuận của người quản lý trường bắn (cũng như điều kiện cơ sở vật chất tại đó)

“An toàn là trên hết” – áp dụng ở mọi lĩnh vực kể cả bắn cung. Việc bắn chưa chuẩn mà bắn ở cự ly xa thì có nhiều hệ luỵ: bắn không trúng, tên đáp vào những chỗ không nên đáp: nhà hàng xóm, con mèo gần đó, chui vào bụi cỏ, vào tường cứng làm hỏng tên, tên bay mấ tiêu phải đi tìm, blah blah và blah blah…

Bắn không trúng là việc bình thường, vì sự an toàn chung, cung thủ chỉ nên bắn ở cự ly mà mình đủ sức.

Bạn đã thấy ai đó bắn ở cự ly xa hơn thì hãy nhớ: họ đã phải luyện tập rất nhiều, bỏ công sức, bỏ thời gian để bắn chính xác, cải thiện động tác, thiết bị phù hợp,… mới đủ điều kiện bơi ra biển lớn hơn.

Cung thủ Kyudo phải tập tư thế, động tác với makiwara, khoảng cách 2 thước, TRONG 3 NĂM, sau đó mới được phép đến matomae - bắn tên thực sự ở 28m

Chúng tôi cũng không “ác” đến mức bắt bạn tập 3 năm đục bia tại một chỗ đâu.

Nếu như bạn đã bắn khá tốt ở cự ly ngắn (bắn trúng hết trong vàng) thì việc kéo giãn khoảng cách mục tiêu là đều hợp lý. Miễn là đảm bảo an toàn.

Nhưng nếu bạn còn “chệch choạng” thì vẫn nên giữ nguyên khoảng cách và tiếp tục kiên trì ở cự ly đó. Nên nhớ, mục tiêu càng ở xa, sai lầm càng được phóng đại. Vì sự an toàn của những người xung quanh và cũng là để bạn có thêm thời gian để cải thiện thành tích, hãy giữ nguyên vị trí.

"Sai một ly, đi một dặm."

Kiên trì bắn chính xác ở một cự ly

Không có gì là đáng xấu hổ khi phải bắn ở cự ly ngắn. “Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng một bước chân.” Không có một vận động viên cử tạ nào bắt đầu luyện tập ở mức tạ 100kg. Không có võ sĩ nào được đấm người trước khi đấm bao cát. Không cần phải bắn xa, bắt đầu bắn ở cự ly mà bạn cảm thấy thoải mái đạt được độ chính xác cao. Sau khi đã bắn rất chính xác ở cự ly đó rồi thì từ từ dời mục tiêu ra xa hơn.

Bắn Quá Nhanh

"Dục tốc bất đạt"

Không tính đến các trường hợp cần so kè tốc độ hay bị áp lực thời gian dữ dội, việc bắn quá nhanh là một sự “sai quá sai” của tác giả từ lâu và vẫn chưa sửa được hẳn cho tới giờ. 

Nhiều khi tính luôn cả thời gian lắp tên và hoàn thành một phát bắn, nhìn lại đồng hồ chỉ mới có 15 giây trôi qua. Không phải đều trật cả, có lần hên thì vẫn trúng tâm, ít hên thì trật xíu, xiu thì văng ra ngoài luôn. Chắc hẳn mọi người đến với bắn cung thì cũng không thích lắm việc bắn có chính xác hay không phụ thuộc vào yếu tố may rủi như vậy.

"Bắn nhanh để làm gì?"

Không có gì phải vội

Thật ra mình cũng không cần phải bắn vội như vậy. Trong các giải, như giải bắn cung ngoài trời của thành phố, quốc gia thì cung thủ có đến 240 giây để hoàn thành 6 mũi tên, nghĩa là trung bình có đến 40 giây để thực hiện bắn 01 mũi tên. (Trừ nội dung đồng đội: cung thủ chỉ có 20 giây để hoàn thành phát bắn)

Một phát bắn chậm, đều, chắc và chứa đầy sự tỉnh thức ắt hẳn sẽ giúp mũi tên bắn ra được chính xác hơn. Bắn chậm giúp bản thân kịp cảm nhận các động tác của cơ thể, canh chỉnh lại động tác cho chính xác, kiểm soát được kết quả của phát bắn. Vừa bắn vừa quan sát bản thân, đó cũng là một kiểu tận hưởng.

Trang Thiết Bị Không Phù Hợp

Ảnh hưởng của trang thiết bị đến kết quả bắn cung

Nói đến tinh chỉnh cho cung, tên, có hàng tá vấn đề phải chú ý: cánh cung quá dài/ngắn không tối ưu, độ cứng của tên (spine) không phù hợp, bộ cân bằng (stabiliser) quá nặng, đệm ngón tay quá to so với bàn tay… Đó là chưa kể đến một vài trục trặc nhỏ khác như lẫy kê tên (arrow rest) bị mòn, lá tên (vanes) bị rách, pas siết thước ngắm bị lỏng, đinh vít đâu đó không chặt,…

Đừng quên kiểm tra và lựa chọn trang thiết bị phù hợp khi bắn cung

Khi mà đã tập mãi rồi mà vẫn chưa cải thiện được kết quả thì đừng quên kiểm tra dụng cụ xem có phù hợp không, dụng cụ có vấn đề gì không (hay có đủ xịn chưa, lên đời thôi <(“)).

Có khi, việc kiểm tra trang thiết bị, dụng cụ nên được thực hiện đầu tiên – để sau khi đảm bảo đồ chơi không có vấn đề gì nữa, thì việc còn lại chỉ là đổ thừa bản thân mình thôi.

Chân lý là đây chứ đâu
Mình đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, trống giờ là đi bắn cung, cũng đã được 4 năm. Mình bắn cung một dây là chính, không chuyên nghiệp, thành tích cũng chưa cao - nhưng với mình, bắn cung để khoẻ, để vui mới là quan trọng. Vẫn cứ lên sân đều đặn hàng tuần để tập luyện chăm chỉ (hoặc không) ngày vô địch thế giới sẽ không xa!

Toro

Bắn cung – để thấy mình là mình

BẮN CUNG - ĐỂ THẤY MÌNH LÀ MÌNH

Bài viết không đề cập đến các vấn đề kỹ thuật hay các lời khuyên hữu ích khi bắn cung, càng không phải để cổ vũ mọi người hãy bắn cung vì những tác động tích cực của nó mang lại, chỉ là ghi lại một vài suy ngẫm của bản thân trong quá trình trải nghiệm bắn cung của người viết.

Lạc mất chính mình

Nếu mà nói bắn cung giúp ta tìm thấy chính mình thì cũng có nghĩa là những lúc mình đánh mất chính mình và lạc lối. Vậy đó là khi nào và vì sao?

Thường nhật cuộc sống

Trong nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại, có biết bao áp lực đè nặng lên vai của mỗi người, nào là áp lực công việc, áp lực kiếm tiền, mưu sinh, trách nhiệm chăm lo gia đình, thành công trong sự nghiệp… Mỗi sáng người ta (có mình trong đó) thức dậy, đánh răng rửa mặt, thay bộ đồ đẹp đi làm, bước đến cơ quan, giao tiếp với đồng nghiệp, làm việc 8 tiếng (hoặc hơn) ở sở làm, tan ca ra về, ăn tối với gia đình, lướt mạng xã hội rồi bận rộn những chuyện không đâu gì đó, cuối ngày tắt đèn đi ngủ, rồi sáng mai lại tiếp tục đi làm.

Vấn đề là ở chỗ

Vấn đề là ở chỗ, mỗi ngày người ta đều lao vào những hoạt động thường nhật ấy với dáng vẻ bên ngoài rất bình thường nhưng bên trong thì hơi… rỗng. Lo sợ mở mắt vào mỗi sáng với một khối lượng công đang chờ, làm việc chỉ để mưu sinh, đồng nghiệp thì chỉ dừng lại ở mối quan hệ hợp tác, đi lại như “zombie”, ăn uống không để ý đến vị ngon, mất thời gian rất nhiều nhưng đêm về lại canh cánh trong lòng vì nhiều thứ còn ngổn ngang. Cơ thể mệt mỏi, tâm trí luẩn quẩn, mất khả năng tập trung vào những điều tốt đẹp của giây phút hiện tại. Trái tim ta như có một lỗ hổng… Ngày qua ngày, lỗ hổng ấy càng lan rộng, mình không cảm thấy đang có mặt ở hiện tại, mình không còn biết mình là ai, mình muốn gì và cảm thấy lạc lối.

“Vấn đề là ở chỗ, mỗi ngày người ta đều lao vào những hoạt động thường nhật ấy với dáng vẻ bên ngoài rất bình thường nhưng bên trong thì hơi… rỗng”

Đấy đấy, đấy chính là lúc phải dừng lại để tự nhìn lại về cuộc sống, chăm sóc bản thân, làm điều mình muốn tạo những thói quen tích cực mới. Nói chung, mỗi người sẽ có một cách thức khác nhau, có người thì viết, có người vẽ, có người chạy bộ, có người du lịch, thì cũng có người… bắn cung

Mà sao bắn cung có thể giúp được mình nhỉ?

Tập trung chú ý nào!!!

Đầu tiên phải kể đến sức mạnh của sự tập trung. Nếu ăn cơm thì có người sẽ kết hợp cả xem tivi, tán gẫu thậm chí là lướt điện thoại cùng một lúc, nhưng khi bắn cung thì mình chỉ có thể làm đúng một chuyện là bắn cung, không thể làm thêm một hoạt động nào khác (trừ khi bạn quá phi phàm đến độ có thể bật chế độ đa nhiệm vừa tập trung bắn cung vừa…lau nhà chẳng hạn, mà chuyện đó cũng không khuyến khích vì an toàn của những người xung quanh).

Bắn cung là phải chú ý đến các nguyên tắc an toàn rồi mới đến kỹ thuật

Chỉ xét đến việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn thì mình cũng đã có biết bao nhiêu thứ phải tập trung chú ý từ chuyện đứng vào vạch nào, khi nào được bắn, tập trung nghe hiệu lệnh, quan sát khi nào được rút tên… (Các bạn có thể xem thêm bài về an toàn khi bắn cung)

Tiếp đến, bắn cung đòi hỏi bản thân phải lưu tâm đến nhiều động tác trong quá trình bắn từ lúc chuẩn bị trước khi bắn (thế đứng, lắp tên, móc ngón tay vào dây…), trong khi bắn (giương cung, kéo dây cung, ngắm mục tiêu, buông tên), sau khi bắn (thả lỏng, giữ nguyên tư thế, tiếp tục các động tác kéo…). Chưa kể, bắn xong cũng phải đi kiểm tra tên với mục tiêu, rút tên cẩn thận. Đối với mình thì không thể không tập trung khi bắn được.

“Có biết bao nhiêu thứ phải tập trung chú ý từ chuyện đứng vào vạch nào, khi nào được bắn, nghe hiệu lệnh, khi nào được rút tên…”

 

Thế giới riêng của cung thủ

Những lúc tập trung bắn cung, mình nghĩ nhiều cung thủ sẽ thấy được cảm giác ấy. Cảm giác chỉ có mình, cung tên và mục tiêu. Thế giới ngưng đọng lại, tách biệt bản thân với phần còn lại xung quanh. Thế giới ấy đôi lúc yên tĩnh đến độ lạ thường, không ai có thể xen vào được (mà chắc cũng không ai có gan dám chen ngang vì rất dễ… ăn tên:)). 

Khi ấy, mình dành hết tâm trí và sức lực cho việc bắn cung, nói cách khác mình bắn cung bằng tất cả con người của mình, phút chốc trút bỏ muộn phiền. Mình có mặt với hiện tại, vậy là mình đặt được bước chân đầu tiên trở về với chính mình. 

Dĩ nhiên là không phải lúc nào mình cũng thành công trong việc tập trung một cách triệt để, dĩ nhiên cũng có lúc bị gián đoạn, có lúc xao lãng, có lúc tâm trí vẫn lưu lạc ở đâu đó. Nhưng quan trọng có là được, tập trung được lúc nào thì vui lúc đó và sau khi bị xao lãng mình hoàn toàn có thể quay lại trong phát bắn sau. 

"Nhắn thêm, mấy bạn hữu bắn cung trên sân hay CLB cũng rất tài năng trong hoạt động tán gẫu, chọc phá, diễn hài để góp phần không nhỏ trong công cuộc thử thách nâng cao sức tập trung của mấy bạn theo năm tháng."

Niềm vui của sự miệt mài

“Thật ra bắn cung chỉ có 2 bước. Bước 1: Bắn vào 10 Bước 2: Lặp lại điều đó”

Để làm được bước 1 không biết phải bắn mấy chục mũi tên, để làm bước 2 không biết phải bắn thêm mấy trăm hay mấy ngàn mũi nữa. Do vậy mà không bắn cung thì thôi, chứ đã bắn đầu bắn rồi thì mình thấy ngoài tập trung ra thì ai cũng miệt mài, mài…bia.

Có người sẽ nghĩ điều đó thật nhàm chán khi phải bắn quá nhiều như vậy, nhưng sự thật thì hoàn toàn ngược lại.

Giống như khi bắt đầu đọc một quyển sách, ban đầu có thể hơi chậm nhưng bắt đầu đến những khúc cao trào thì càng đọc càng cuốn, càng đọc càng tập trung say sưa, không thể dừng lại. Bắn cung cũng vậy, một khi đã bắt đầu và tập luyện một thời gian thì khó lòng mà dừng lại. Mỗi ngày lại phát hiện một…lỗi sai mới hay một điều gì đó có thể cải thiện. Không có hôm nào giống hôm nào, không có lỗi nào giống lỗi nào, mình sẽ luôn tìm thấy những thứ mới và lại say sưa bắn tiếp.

Mình cũng không phải là một người tập luyện siêng và giỏi, nhưng mình nhớ có một mùa hè năm nào đó, mình bắn từ sáng tới chiều, đã tập nhiều đến độ mình thấy từng động tác trong từng lần bắn, thấy sự miệt mài, thấy dòng chảy đam mê có chút chảy qua người. Và mình cảm thấy vui vì điều đó.

Cho nên mỗi lúc nhìn thấy ai đó siêng năng luyện tập bắn cung thì mình nghĩ họ cũng đang trải qua niềm vui của sự say mê ấy.

Có một mục tiêu để hướng tới

Ngoài bắn cung thì mình cũng thích đi bộ lên núi. Thường thì để phân sức thì mình sẽ chia nhiều chặng trên đường lên núi như cột mốc 800m, 1200m, 2200m… Mỗi lần vượt qua một là mỗi lần mình biết mình đã đến gần với đỉnh núi hơn. Một trong những cảm giác hạnh phúc nhất khi leo đến đỉnh một ngọn núi chính là cảm giác chinh phục, không phải là chinh phục được đỉnh của ngọn núi mà là chinh phục được sự mệt mỏi, sợ hãi, nản chí, yếu đuối của bản thân để hoàn thành điều mình muốn làm.

“Một trong những cảm giác hạnh phúc nhất khi leo đến đỉnh một ngọn núi chính là cảm giác chinh phục, không phải là chinh phục được đỉnh của ngọn núi mà là chinh phục được sự mệt mỏi, sợ hãi, nản chí, yếu đuối của bản thân để hoàn thành điều mình muốn làm.”

Tạo mục tiêu khi luyện tập

Phải nói là với bắn cung thì lúc nào cũng có mục tiêu để mà hướng tới. Mình luôn có thể đặt mục tiêu muốn đạt được trong từng khoảng cách. Ví dụ như, ở khoảng cách cơ bản nhất  5m nếu đã bắn vào tâm bia hết vẫn có thể đặt mục tiêu khó hơn như thu nhỏ bia, chia nhiều bia cùng khoảng cách, bắn đường thẳng trên cùng bia. Rất thành thạo ở 5m rồi lại dời khoảng cách ra xa hơn, 10m, 15m, 18m, 30m và hơn nữa. 

Thậm chí không có mục tiêu thì vẫn có thể tập bắn thẳng, tập giữ lâu, tập động tác chính xác. Không xét về thành tích thì vẫn có thể thử thách bản thân thử nhiều loại cung khác nhau, cung trần, cung truyền thống, cung compound, cung Olympic recurve, chưa chắc mình bắn tốt ở loại này thì có thể bắn tốt với 1 loại cung khác. Nói chung là không có lúc nào cũng có nhiều mục tiêu mới để khám phá trong bắn cung.

Cứ mỗi lần đặt thử thách mới thì mình lại bước vào tập luyện và chinh phục. Lại đối mặt với mệt mỏi, chán nản, lại leo qua vách núi mang tên yếu đuối, lo sợ của bản thân. Và cũng lại thu thập thêm một chút vốn liếng, có thể là kiến thức, kỹ thuật mới hoặc chỉ đơn giản là niềm vui trong quá trình theo đuổi mục tiêu mình đặt ra.

Rèn luyện cơ thể

Cần phải nhắc nhở bản thân là bắn cung không thì không đủ để tiến bộ, phải rèn luyện cơ thể nữa, nhảy dây chạy bộ là những môn bổ trợ tốt cho bắn cung. Thể lực, kỹ thuật rồi mới đến tâm lý (như coach mình đã nói), từng phần phải được rèn luyện thì mới ổn.
Vậy là nhờ bắn cung mà mình có thể tập trung lại, quay về với bản thân, có chút niềm vui, có chút mục tiêu theo đuổi, lại rèn luyện thêm sức khỏe, tìm thấy mình trong hạnh phúc nào đó.