ADDRESS

946 Trường Sa, P13, Q3, TP.HCM

CALL US

+84 933 107 539

10 Lợi Ích Của Bắn Cung

Bắn cung là môn thể thao yêu thích của nhiều người và hơn thế nữa. Nhiều cung thủ dành hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng và hàng năm trời để luyện tập bắn cung. Dù chỉ là chơi giải trí thôi thì bắn cung cũng mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần cho người chơi. Bài viết xin tổng hợp 10 lợi ích hàng đầu mà bắn cung mang đến:

Mục lục

Không phải tất cả các lợi ích trên đều được các cung thủ nhận ra theo đúng trình tự và đúng thời điểm như nhau. Nhưng đâu đó, trong quá trình luyện tập của mình các cung thủ sẽ nhận ra vào một thời điểm nhất định. Nhận biết được những lợi ích ấy có lẽ sẽ càng khiến bạn cảm thấy bắn cung thú vị hơn.

“Lợi ích về thể lực bao gồm gia tăng sức mạnh nửa phần trên của cơ thể, cải thiện sự cân bằng và giới hạn cá nhân. Lợi ích về tinh thần bao gồm sự tập trung, kiểm soát chuyển động, gia tặng tự tin, thư giãn thoải mái trước những thách thức tâm lý.”

1. Cải thiện sự tập trung

Cung thủ luôn phải duy trì tập trung trong suốt quá trình bắn. Có rất nhiều điều phải tập trung chú ý đến như tư thế, mục tiêu, cung tên… Ngoài ra, cung thủ cần hoàn toàn ngăn cách bản thân khỏi sự xao lãng. Đó có thể là các xao lãng đến từ bên ngoài như thời tiết, tiếng ồn, hoạt động của đối thủ xung quanh. Cũng có thể là xao lãng đến từ nội tâm như các yếu tố tâm lý, áp lực, căng thẳng, sợ hãi…

Ban đầu bạn sẽ có thể cảm thấy chưa quen với sự tập trung này, nhưng sau vài vòng bắn bạn sẽ thấy dễ dàng tập trung hơn. Nhiều cung thủ mất khoảng một tháng để cảm thấy khả năng tập trung của bản thân được nâng cao đáng kể. Đây cũng là một khả năng hiệu quả giúp chúng ta đối mặt tốt hơn với nhiều vấn đề và các tình huống áp lực khác trong cuộc sống.

Tập trung bắn cung

2. Thư giãn và giải tỏa căng thẳng

Với toàn bộ sự tập trung nêu trên thì trông có vẻ bắn cung là một môn căng thẳng. Nhưng ngược lại, càng tập trung đầu óc càng tĩnh lặng. Bớt ồn ào, bớt suy nghĩ lung tung, chỉ tập trung bắn cung, tâm trí sẽ thật sự cảm thấy giải tỏa. Một trong những điều yêu thích của mình là cuối tuần, lên sân bắn vài phát, không nghĩ ngợi gì. Và hạnh phúc đến từ đó.

Điều này bạn sẽ nhận ra ngay lần đầu bắn cung. Cảm giác thư giãn sẽ đến và căng thẳng chất chồng từ khi nào đã được giải tỏa theo từng mũi tên. Chưa kể nếu đi chung với một người bạn thân hoặc một hội bạn vui nhộn, cùng nhau bắn cung sẽ làm niềm vui càng lan tỏa.

3. Luyện kiên nhẫn

Bắn cung không khó, chỉ cần có đầy đủ dụng cụ và được hướng dẫn cách bắn căn bản trong khoảng 10 phút thì bạn đã có thể bắn đầu bắn cung. Đôi khi bạn có thể bắn trúng tâm vàng trong vài lần trải nghiệm đầu tiên vì “may mắn” hoặc vì bạn “có khiếu”. Nhưng cái khó ở đây là lập lại điều đó thêm 35 lần tiếp theo. (Một vòng bắn cơ bản thường sẽ gồm 36 mũi tên). Đến lúc này thì việc bắn chính xác không phải là phụ thuộc vào may mắn hay vào năng khiếu nữa, mà phần nhiều là ở kiên nhẫn. Để thật sự bắn chính xác, cung thủ cần dành rất nhiều thời gian để luyện tập, không bỏ cuộc, kiên nhẫn cho đến khi đạt mục tiêu. 

"Bắn vào tâm không khó, cái khó là lập lại điều đó 36 lần."

Làm sao để lập lại 36 lần vào tâm bia?

4. Phối hợp tay và mắt

Luyện tập bắn cung đòi hỏi sự phối hợp liên tục giữa tay và mắt. Mắt liên tục chuyển đổi sự tập trung giữa nhiều đối tượng khác nhau: ban đầu là cơ thể, đến cung tên, đến thước ngắm rồi đến tâm bia. Còn tay của cung thủ được luyện tập để làm nhiều nhiệm vụ khác nhau, kéo cung, điều chỉnh lực, phối hợp với mắt để ngắm bắn, thả tên…

Sự đồng thuận về tay và mắt được lập lại liên tục trong suốt quá trình bắn cung. Sau một thời gian, bạn ngắm bắn tốt hơn, chính xác hơn, sự phối hợp giữa tay mắt cũng được cải thiện. Hầu hết cung thủ sẽ nhận ra sự cải thiện sau hai tháng hoặc sớm hơn.

5. Rèn luyện cơ thể

Khi bắn cung, cả cơ thể phải vận động. Hoạt động kéo và giữ khi bắn cung cũng đòi hỏi nhiều phần cơ khác nhau hoạt động cùng một lúc. Không phải chỉ có cơ tay, cơ vai mà đặc biệt là cơ lưng sẽ được sử dụng liên tục. Không những vậy, để có một thế đứng vững vàng phần chân và cơ bụng cũng phải là trụ tốt. Nên thực sự để bắn cung tốt, các cung thủ phải rèn luyện cả nhảy dây, chạy bộ, hít đất…để bổ trợ thêm.

Bên cạnh việc bắn, hoạt động đi rút tên cũng tiêu tốn năng lượng không kém. Nếu bắn thư giãn ở cự ly 10m, mỗi vòng phải rút tên 6 lượt. Nếu bắn khoảng 2 – 3 vòng, bạn cũng đi bộ được gần 1km. Những cung thủ chuyên nghiệp ở cự ly xa hơn, họ có thể đi bộ đến 8km/ngày cho hoạt động rút tên, lượng năng lượng tiêu thụ ước tính khoảng 100-150 Calo trong 30 phút.

Rút tên thôi

6. Xây dựng lòng tự tin

Ở mỗi giải thi đấu hoặc một giai đoạn nào đó của quá trình luyện tập bắn cung, bạn có thể xác định khá rõ mục tiêu cần đạt được. 

Có nhiều cách đặt mục tiêu khác nhau trong bắn cung. Có thể là mục tiêu điểm số như 325 điểm ở cự ly 10m, 315 điểm ở cự ly 15m, 343 điểm ở cự ly 30m… Có thể là mục tiêu kỹ thuật cần đạt được như tìm được điểm tì, tập được cách thả tên, buông cung hiệu quả… (Tham khảo thêm bài viết 6 Bước tạo lập thói quen bắn cung về cách đặt mục tiêu bắn cung đơn giản.)

Cứ mỗi lần đặt mục tiêu, cung thủ lại dành thời gian để luyện tập, mắc sai lầm và liên tục cải thiện. Kết quả thường được thể hiện khá rõ ràng ngay trên mặt bia. Nếu kết quả đạt được như mong đợi, bạn sẽ có cảm giác chinh phục, cảm giác vượt qua chính mình. Khi ấy, lòng tự tin lại được củng cố và vung bồi. (Nếu chưa đạt được kỳ vọng, vui lòng quay lại điều số 3.)

“Đối thủ lớn nhất của mỗi cung thủ chính là bản thân mình.”

7. Tập trầm tĩnh

Tập trầm tĩnh và bắn chính xác dưới áp lực cao là một loại khả năng được phát triển thông qua quá trình luyện tập của cung thủ. Trong lúc bắn cung, cung thủ luôn phải tập ổn định nhịp thở, tập trung vào mục tiêu, điều phối cảm xúc. Mỗi khi bắn tốt, thời gian trôi qua thật tĩnh lặng. Dù hàng giờ đã trôi qua nhưng có cảm giác tựa như một cái chớp mắt. Khi đứng trên đường bắn, chỉ có cung thủ, cung tên và mục tiêu. Một khoảng thời gian tuyệt vời cho sự trầm tĩnh và tìm về chính mình.

8. Giao lưu kết bạn

Độ tuổi của người tham gia bắn cung khá đa dạng từ 6 đến 80 tuổi. Gặp nhau ở câu lạc bộ, dù khác nhau về tuổi tác hoặc xuất thân từ nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau nhưng mọi người đều cùng chung đam mê sở thích. Cùng luyện tập, cùng tán gẫu về cung tên, cùng trải nghiệm, cùng thử thách ở các kỳ thi… tạo nên những câu chuyện bất tận về bắn cung.

Trong thi đấu, bạn có thể tham gia cả hạng mục bắn cung cá nhân lẫn đồng đội. Nếu có một đội ăn ý trong bắn cung hẳn là một điều rất hạnh phúc. Trong khi bạn bắn thì có đồng đội đọc điểm nhắc nhở, phụ kiện lỏng thì có đội kỹ thuật hỗ trợ, lúc căng thẳng hay bắn trật thì có đồng đội gánh vác một phần. Nhiều khi không nói ra, nhưng sau mỗi giải đấu tinh thần của các cung thủ trong đội càng khắt khít hơn. 

Đồng đội (hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, vui lòng không tự ý làm theo)

9. Tăng cường nhận thức về an toàn

Khi bắn cung, an toàn là trên hết. Các cung thủ luôn nhận thức về các nguyên tắc an toàn từ bước đầu. CLB bắn cung Trần Quan vẫn luôn hướng dẫn các nguyên tắc an toàn cho 100% các cung thủ trước khi bắn lần đầu tiên. 

“Khu vực mình đang đứng bắn có đúng nơi chỉ định không? Trước khi giương cung có đảm bảo không có ai ở trong phạm vi phía trước không?” Người chơi phải liên tục kiểm tra. Những nguyên tắc ngày cũng là những nguyên tắc an toàn cơ bản trong cuộc sống: đảm bảo an toàn cho bản thân, an toàn cho những người xung quanh. Bắn cung giúp bạn tôn trọng trong việc sử các trang thiết bị, có trách nhiệm với an toàn của bản thân và người xung quanh. 

10. Cải thiện quan sát

Có vô vàn điều cần thiết để quan sát khi bắn cung. Trước hết vấn đề an toàn, khi nào thì tất cả cùng rút tên, khi nào thì được phép bắn. Lúc bắn thì quan sát bản thân, tư thế chuyển động, phối hợp tay mắt. Bắn xong rồi thì kiểm tra kết quả trên mục tiêu và đôi khi là quan sát cả đồng đội cùng bắn nữa.

Đặc biệt trong quá trình bắn cung có một điều thú vị là việc quan sát cơ chế hoạt động của cung tên và các phụ kiện đi kèm. Trong lúc chuẩn bị, bạn có bao giờ quan sát cách các cung thủ lên dây cung cho nhiều loại cung khác nhau? Khi cầm kéo cung, ta có đặt câu hỏi cánh cung cong thế nào? Nếu trả lời được là ta đã hiểu thêm một chút về cơ chế hoạt động của cung. Lúc thả dây, quan sát mũi tên di chuyển ta lại hiểu thêm về cách cánh cung truyền lực vào tên… Mỗi hoạt động liên quan đến cung tên đều có cả một cơ chế hoạt động đằng sau. Để ý quan sát một chút ta sẽ thấy có đến “1000 câu hỏi Tại sao” hết sức thú vị trong bắn cung.

 (Tham khảo thêm bài viết về giải mã các phụ kiện bắn cung để biết thêm chi tiết về cơ chế hoạt động của một số phụ kiện bắn cung)

Đố vui: cung thủ lên dây cung trong hình dựa vào nguyên tắc gì?
Mình đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, trống giờ là đi bắn cung, cũng đã được 4 năm. Mình bắn cung một dây là chính, không chuyên nghiệp, thành tích cũng chưa cao - nhưng với mình, bắn cung để khoẻ, để vui mới là quan trọng. Vẫn cứ lên sân đều đặn hàng tuần để tập luyện chăm chỉ (hoặc không) ngày vô địch thế giới sẽ không xa!

Có thể bạn quan tâm