Bắn cung có nguy hiểm không?

Bắn cung có nguy hiểm không?

Như bạn đã biết rằng, cung là vũ khí thô sơ tầm xa, có khả năng phát xạ mũi tên rất mạnh, bắn mũi tên đi xa đến 500 mét! (cung trợ lực hiện đại, cung Thổ Nhĩ Kỳ,…). Liệu cung tên có thực sự nguy hiểm và mang lại nỗi lo ngại cho xã hội không?

Có – nếu bạn chơi ngu.

Chơi cung có bài bản – Không nguy hiểm. Cực kì an toàn.

CUNG TÊN CÓ TIỀM NĂNG CỦA VŨ KHÍ NGUY HIỂM

Ngày xưa cung tên là vũ khí dùng cho săn bắn và chiến tranh – dùng để sát sinh. Nó bắn ra mũi tên nhọn hoặc nhiều loại mũi tên bén, tẩm độc,…khác nhau. Là vũ khí “tay dài” với tầm hiệu quả không cao.

Trong bài viết Quy tắc an toàn Bắn cung, bạn có thể thấy chúng tôi có nêu ra những trường hợp mất an toàn và yêu cầu người tham gia bắn cung phải tuân thủ, cách phòng ngừa trước mắt và lâu dài cũng như đừng cố “chơi dại” với cung tên.

Trong các đôi bạn này, ai là người cầm loại vũ khí "ghê" hơn?

DAO LÀ “CÔNG CỤ” CÓ MẶT NHIỀU NHẤT TRONG CÁC VỤ GIẾT NGƯỜI. 

Theo số liệu ở Hoa Kỳ, thì người chết vì súng nhiều nhất, sau đó là dao và các dụng cụ cắt gọt. Có lẽ ở Việt Nam cũng thế thôi.

Những con dao trong nhà bếp của bạn thoạt nhìn rất bình thường và dễ tiếp cận. Ai cũng có. Có chuyện, rút dao ra và mọi người im lặng (bạn không nên làm thế). Dao vốn dĩ không nguy hiểm, nó chỉ là loại công cụ có cạnh bén. Nguy hiểm chính là người sử dụng nó.

Dễ tiếp cậndễ sử dụng, dao có tỉ lệ rơi vào tay kẻ xấu (hay người không biết dùng) cao, rất tiện lợi trong các tình huống “đặc biệt”. Đôi khi có người còn cải tiến nó thành “vũ khí” khủng hơn (như phóng lợn, mã tấu,..) và sức tàn phá gây ra là vô biên. Dao ngày càng cải tiến và có sức sát thương cao nếu dùng cho mục đích hại người. Chẳng phải trong các game hành động bắn súng bạn đều luôn được phát ít nhất một con dao? 1 hoặc 2 đòn là đủ hạ gục đối phương rồi.

Ảnh chụp màn hình trò chơi CS:GO

CUNG LÀ “VŨ KHÍ” TỆ NHẤT NẾU PHẢI CHỌN ĐỂ BEM NHAU 

  • Cung và tên có giá không rẻ. Không phải ai cũng mua được (được mua và muốn mua).
  • Cung thì to, dài, nặng. Mũi tên cũng dài. Kích thước như thế thì khó giấu, khó vận chuyển, khó lắp đặt và sẵn sàng cho các tình huống “đặc biệt”. Để bắn được cung, bạn còn phải có mang theo một số phụ kiện ngoại vi khác mới dùng được.
  • Cung thì quá vướng víu để có thể vừa cơ động vừa bắn, gần như phải đứng bằng 2 chân trên mặt đất mới dùng được, nỏ đủ mạnh thì bạn cần 1-3 phút để lên dây, lắp mũi tên và bắn.
  • Cung và nỏ hoạt động rất ồn (lên đến 90dB). Nên nó không hề “lén lút” như bạn nghĩ. Bắn cung trong nhà kín thì rất chói tai.
  • Cung và nỏ tốn nhiều thời gian để trang bị và sẵn sàng để dùng. Phải cầm cung cả 2 tay, căng dây, giương cung/nỏ, ngắm mục tiêu thì mới bắn được.
  • Không phải lúc nào cũng chính xác và trong tình huống căng thẳng, con người khó mà bình tĩnh để làm các “thủ tục” bắn cung để loại bỏ đối phương.
  • Để bắn chính xác (vô nghĩa nếu bắn không trúng), cung thủ cần phải luyện tập và được đào tạo trong thời gian dài. Bắn cung thì khó. Không đơn giản như đưa súng lên bóp cò xả tự động hay quờ quạng mã tấu là trúng mục tiêu.
    Thường thì “cung ai nấy dùng”, cần phải tinh chỉnh phù hợp theo từng người (và dùng quen). Không phải cứ nhặt cung lên là bắn được.
  • Cung bắn chậm. Bạn cần 3 đến 20 giây để bắn 1 mũi tên từ cung; 1 đến 3 phút để bắn một mũi tên từ nỏ. Vận tốc mũi tên trung bình chỉ từ 50-100m/s (hầu hết đạn hoả lực đều nhanh hơn tốc độ âm thanh, dao đâm người với tốc độ ánh sáng).
Cung thường cao, nặng, phải có tư thế đứng rất vững mới có thể bắn được những dòng cung hạng nặng.

“CÙI” NHƯ THẾ, VẬY SỐ PHẬN CỦA CUNG TÊN ĐI VỀ ĐÂU? 

Từ khi có sự xuất hiện của súng cầm tay, cung tên nhanh chóng lụi tàn trong quân đội cũng như các nhóm tội phạm khác. Chiến tranh quy mô bự không trọng dụng cung tên nữa. Châu Âu từ bỏ cung tên từ thế kỉ 16 (ở Châu Á phải đến đầu thế kỉ 19 mới hết thời). Cung tên không còn là vũ khí đáng sợ mang lại tai ương, chết chóc, mà chỉ là “ký ức” trong quá khứ. (mấy ông vua có mới nới cũ) 

Từ thế kỉ 17, cung tên dần trở thành thú tiêu khiển rải rác trong giới quý tộc phương tây. Phải đến thế kỉ 18, các tổ chức bắn cung giải trí, thi đua dần được thiết lập và giới thiệu đến công chúng. 

Từ biểu tượng của chiến tranh, giờ đã trở thành đồ chơi cho vui ở đồng cỏ.

Những năm 1840 đánh dấu sự chuyển mình của bắn cung giải trí thành bắn cung thể thao. Từ đó, các tiêu chuẩn của bộ môn, dụng cụ bắn cung được đưa ra và dần trở thành môn thể thao bình thường trên khắp thế giới (và cũng trở thành nền công nghiệp của Mỹ – cung tên hiện đại đều dùng ốc vít chuẩn hệ Inch, mang lại nhiều phiền phức cho các quốc gia dùng hệ SI (như Việt Nam và phần còn lại của thế giới))

Ở một số quốc gia (như Mỹ, Trung Quốc, Đức…) cho phép săn bắn thú rừng. Đây cũng là một loại hình thể thao (game) phổ biến, phục vụ nhu cầu giải trí cũng như giúp kiểm soát số lượng cá thể động vật trong khu vực. Ở Việt Nam thì cấm hoàn toàn việc săn bắn động vật hoang dã, nên bạn chỉ có thể tham gia bắn cung thể thao mục tiêu thôi nhé!

Tranh từ năm 1822, buổi tụ họp của hội "Cung thủ Hoàng gia Anh quốc".

BẮN CUNG KHÔNG NGUY HIỂM, MÀ CÒN LÀ BỘ MÔN AN TOÀN NHẤT

Nghe thật vô lý! Tin thì tin không tin thì tin. Kể từ khi súng được phát minh, số người thiệt mạng vì cung giảm đáng kể và dần đến con số 0.

Cung thì không nguy hiểm.
Mũi tên nhọn thì có nguy hiểm.
Việc bắn cung thì có tiềm năng nguy hiểm.
Bộ môn bắn cung thì lại là môn an toàn nhất (khi chơi đúng)

Sự phức tạpnhiều điều kiện rắc rối đã nêu ở trên đã làm chùn bước rất nhiều người tham gia bắn cung. Những cá nhân hấp tấp, ẩu tả, kém học thức sẽ không bao giờ/không có khả năng chấp nhận “chơi” cung (đến các cơ sở bắn cung sẽ bị đuổi).

Còn lại những cá nhân cẩn thận, nhận thức tốt, đạo đức tốt. Những con người này sẽ luôn biết họ đang làm gì, có trách nhiệm với hành động của mình, chấp hành các quy tắc an toàn và cố gắng giữ cho bản thân, mọi người được “lành lặn”.

Kết quả, không có chấn thương nghiêm trọng nào được ghi nhận trong môn bắn cung ở Việt Nam. Ở Câu lạc bộ Bắn cung Trần Quan, không có một trường hợp bị thương nặng nhẹ nào xảy ra từ khi bắt đầu thành lập (2016) đến giờ. Ở các quốc gia khác, bắn cung cũng được ghi nhận là một trong những môn thể thao ít có chấn thương nhất. (té ngã ở sân bắn cung là vi phạm nội quy, nên các trường bắn đều cấm chạy nhảy, đùa giỡn).

So sánh với các môn thể thao phổ biến khác, bạn có nhận ra rằng bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, xe đạp,… thì nguy hiểm và tỉ lệ chấn thương nhiều hơn đáng kế không? (gãy xương, bong gân, chuột rút, đứt dây chằng, tai nạn giao thông,…).

Tai nạn xảy ra hầu như không xảy ra bởi phương tiện hay thiết bị của môn đó, mà thường do chính người tham gia. Nếu không được đào tạo tốt, bản tính nóng nảy, cà chớn, không cẩn thận (hoặc xui xẻo) thì luôn có tai hoạ chờ sẵn cho đồng chí đó. An toàn là trên hết. Nhớ nhé, các cung thủ!

Chấp hành các qui định tại trường bắn - Mọi người khoẻ - Mọi người vui - Mọi người lành lặn :))

Tags: 

Từ khoá: bắn cung an toàn, quy tắc an toàn, bắn cung thể thao

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr