Chơi bắn cung và sự liên tưởng đến xe 2 bánh

Chơi bắn cung và sự liên tưởng đến xe 2 bánh

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr

Bắn cung về cơ bản là việc dùng cung bắn mũi tên đến mục tiêu. Nhưng dùng cung gì, dùng cách gì, làm như thế nào nhìn chung có rất nhiều điểm khác biệt. 

Biết đâu dựa vào tính cách, sở thích hay độ chịu chơi của bạn, bạn có thể tìm được chân lý cho cuộc đời cung thủ của mình – lựa chọn một hay nhiều trường phái nào đó và cần cù lâu dài với chúng.

1. Cung trần cơ bản

Từ bánh bèo thiếu nữ đến mày râu cool ngầu, ai cũng có thể bắn cung trần dễ ẹc, dễ như ăn ớt!

Cung trần kiểu này xuất hiện tại mọi CLB bắn cung: hiện đại, dễ sử dụng, nhẹ, dù người mới hay “tay to” kì cựu đều có thể dễ dàng điều khiển, giá lại rẻ, bình dân, phù hợp các nhu cầu.

Nó dễ ở chỗ: lắp tên, giương cung và bắn; đổ xăng, vặn ga và chạy.

Mũi tên đi từ Archer đến Bia; Xe ga đi từ A đến B

Nhưng để chạy/bắn cho đúng, cho nhanh, cho an toàn thì cũng đòi hỏi người cầm phải sử dụng đúng, bảo dưỡng đúng, luyện tập và “quen tay”. Ninja muốn làm hung thần đường phố hay cung thủ thần sầu, đều phải có sự luyện tập và kinh nghiệm!

Cung trần cơ bản phù hợp cho người: thích sự cơ bản, dễ dàng, tiện lợi, rẻ – dễ tiếp cận

Xe tay ga hoàn toàn có thể dùng để đua, để cạnh tranh và giựt giải - khó chứ đâu có dễ!

2. Cung một dây Recurve Olympic

Đều dùng những "phương tiện" chạy bằng cơm

Cung tên không đơn giản chỉ đưa mũi tên từ A đến B, mà nó còn là môn thể thao cạnh tranh khốc liệt. Chỉ có dòng cung một dây mục tiêu (target recurve) mới có mặt tại Thế vận hội, cung chỉ là phương tiện, quan trọng phải là kĩ năng, sức khoẻ, sự may mắn của người điều khiển

Bắn cung Recurve và Đua xe đạp đều có những điều trên:

  • Đua xe đạp và Cung một dây đều là nội dung thi đấu chính thức ở Olympic.
  • Thi đấu chuyên nghiệp, bán chuyên hay chơi ở nhà đều có thể thực hiện được với các sản phẩm thương mại.
  • Đều phải có “phương tiện” tiêu chuẩn, một chút cá nhân hoá, ứng dụng những công nghệ xịn nhất mà phải tuân thủ các luật lệ giới hạn của bộ môn – hạn chế sự phụ thuộc vào thiết bị
  • Xe đạp đạp bở hơi tai; cung một dây giương mệt nghỉ! Đạp xe phải trên đường nhựa/sàn gỗ bằng phẳng, láng mịn. Bắn cung Olympic phải có sân cỏ dài đẹp, khu vực chuẩn chỉ.

Là "end-game" mà nhiều người muốn hướng đến, theo đuổi dài dẳng nhiều năm, cực, khó, đuối - xứng đáng công sức cày cuốc

Cung recurve chuyên nghiệp phù hợp với người: cầu toàn, siêng năng, chịu được kham khổ, kiên trì ở mức thượng thừa, thể lực tốt, không bao giờ bỏ cuộc – và phải giàu <(“) Giá một chiếc xe đạp hàng khủng cũng tương đương một bộ cung xịn sò.

3. Cung trợ lực chuyên nghiệp

Dù cơm là nhiên liệu chính của VĐV, sự can thiệp của công nghệ cao trong những bộ môn chiếm phần quan trọng

Từ phương tiện chạy bằng cơm đến “cỗ máy” mạnh mẽ, tạo ra động lực mạnh hơn con người. MotoGP có thể tương đương với cung trợ lực hiện đại:

  • Không được công nhận là nội dung Olympic, nhưng có mặt trên nhiều mặt trận thi đấu chuyên nghiệp khắp thế giới.
  • Mạnh mẽ, chính xác, nhanh hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ, mạnh hơn do “hoa tay” của kĩ sư, được “trợ lực” nhờ các cơ cấu phức tạp.
  • Sức mạnh, thể lực của cung thủ/tài xế cũng phải có đủ nhiều để vận hành được cung/xe. Cung nặng, xe cũng nặng – đổi lại, chúng uy lực vãi chưởng!
  • Chi phí cao. Bảo dưỡng nhiều. Tùm lum linh kiện, phụ kiện có thể hỏng, bảo trì và cần phải được chăm sóc. Phương tiện phải đạt các tiêu chuẩn nhất định của luật thi đấu.

Sức mạnh vượt trội, đua môtô hay bắn cung trợ lực làm người tham gia phấn khích, đã tay! Vèo vèo. Vụt vụt. Âm thanh của sự uy lực.

Cung trợ lực chuyên nghiệp phù hợp với người: thích máy móc, cơ khí, thích mày mò sửa chữa đồ chơi, thích những thứ mạnh mẽ, thích sự chính xác gần như tuyệt đối. Và giàu.

4. Cung trần chuyên nghiệp

Dùng những đồ chơi đơn giản nhưng chuyên dụng, xịn, Barebow hay BMX phụ thuộc rất lớn vào con người

Là cấp độ cao nhất của “cung trần”. Từng cây cung phải thuộc về cá nhân, tinh chỉnh theo từng người, độ khó khăn và “mệt” khi giương cánh cung sẽ làm bạn phấn khích.

Sự cơ độngđơn giản của cung trần được rất nhiều cung thủ chuyên nghiệp ưa thích, là nội dung chính trong các giải địa hình, ngoài trời, ngoài thiên nhiên – với “phương tiện” hoàn toàn được vận hành bằng cơm. (không trợ lực, không hỗ trợ ngắm, không bộ cân bằng phức tạp)

Thường bị coi nhẹ và được cho là "không chính quy", nhưng cung trần vẫn là thú chơi cực kì tinh tế, đầy thử thách.

Cung trần với người: thích thử thách, sự đơn giản, thực dụng, cơ động mà vẫn đủ những cảm giác “tự do”. Bộ cung trần (barebow) cũng rẻ hơn rất nhiều do thiết bị đơn giản, ít phụ kiện hơn – nó đắt chỉ khi bạn muốn đắt.

5. Cung truyền thống Châu Á

Reject modernity, embrace tradition!

Tinh tế, đơn giản, gọn nhẹ, cổ điển. Cafe Racer hay Cung thuật Truyền thống đều có những đặc tính đó – và thường là: mạnh, với nụ cười trên môi.

  • Cung truyền thống thì khó bắn, tư thế đặc biệt. (chồm, ẹo, nghiêng, xấu (!?)). Tui thích gọi đó là “đẹp lạ”)
  • Cafe Racer thì dùng côn tay, ngồi chồm, xe trụi lũi, chỉ gắn những thứ cần thiết ở mức tối thiểu.
  • Luôn phải có yếu tố “cổ điển” trong đó. Ghi đông trần – gác mũi tên lên ngón tay. Quan trọng nhất: ngầu!

Sự khó khăn, thủ công như thế mới làm bao biker/cung thủ xốn xao, chết mê chết mệt.

Cung truyền thống Châu Á thích hợp cho: người hoài cổ, tối giản, phong trần, cá tính, kĩ năng và sức mạnh phải tìm được từ bản năng

6. Cung trần cổ điển

Chính xác hơn, loại cung này là “cung truyền thống kiểu Mỹ”: gọn gàng, mạnh mẽ, tiện lợi, sử dụng mọi địa hình, không cần những phụ kiện hỗ trợ gì hào nhoáng, đơn giản là “thú chơi” nghiêm túc hay giải trí đều được.

Xe môtô scrambler cũng vậy. Thực dụng, nhanh nhẹn, mang tinh thần “tự do” của chủ nhân, vượt mọi địa hình, bức phá mọi tiêu chuẩn. Scrambler, sự trộn lẫn của tùm lum thứ “miễn là dùng được”. 

Scrambler bắt nguồn từ những chiếc Cafe Racer được độ lại để “đua đến quán cà phê theo đường chim bay” – kể cả phải offroad, phải băng rừng, lội suối. Cung kiểu Mẽo cũng thế, chỉ là cây cung đơn giản, thêm tay cầm cho êm, gọt chỗ kê tên cho dễ, nhỏ nhỏ xinh xinh để chui rừng chui rú cho khoẻ.

Bạn cũng dễ thấy chiếc pô vắt cao của scrambler cứ hao hao giống túi gài tên trên cung không?

Cung truyền thống kiểu Mỹ phù hợp cho: người thực dụng, đơn giản, thích tự do, thích sự mộc mạc của gỗ, yêu thiên nhiên, cây cỏ.

7. Cung dài Anh Quốc

Cả 2 thứ trên đều có xuất xứ từ người Anh

Quân đội đâu phải là tay chơi vì thú vui, hay đẹp mã. Họ cần cái gì đó: phục vụ tốt, bền, rẻ, công năng hữu dụng, trang bị hàng loạt cho lính của mình.
Vậy Longbow cũng thế, ngày xưa nó rẻ, dồi dào, uy lực, đơn giản. Dễ dùng hay không thì không biết, nhưng có thể đào tạo mà! :)))

Rất tiếc là Trường cung Anh (English Longbow) bây giờ rất đắt, cồng kềnh

Cung truyền thống kiểu Anh phù hợp cho: cung thủ thích lịch sử châu Âu, tối giản ở mức tối đa, người thích bị hành hạ.

8. Cung Yumi Nhật Bản

Truyền thống của quốc gia ở hình thái thuần tuý nhất

Chopper là biểu tượng của xe Mỹ. Phong cách đột phá, to dài không cần thiết, không thực dụng – nhưng đó là nét văn hoá.

Cung Yumi cũng vậy. Biểu tượng của văn hoá Nhật Bản, nhắc đến cung to, dài, bất đối xứng thì có thể nghĩ ngay tới daikyu, sử dụng trong Kyudo.

Rõ ràng là, Yumi hay Chopper đều dài, to, cồng kềnh, khó dùng, thể hiện nét văn hoá đặc trưng của quốc gia, nhưng vui, hay ho, thú vị.

Hẳn là cồng kềnh và khó tiếp cận hơn của trường cung Anh.

Cung truyền thống Nhật Bản phù hợp cho: người thích nước Nhật, muốn tu dưỡng tâm hồn, giác ngộ chân lý cuộc đời. Và phải giàu.

9. Cung trợ lực 3D/Field

Cung trợ lực chuyên nghiệp thì nhiều phụ kiện dài, cung thì to, dễ vướng víu. Vậy làm nó nhỏ gọn lại, tăng khả năng cơ động với địa hình, là ta có dòng cung trợ lực dùng cho giải Field, 3D.

Giống như cách gọt bớt lốp của xe cào cào, ta có xe Supermoto chạy được trên đất cát và cả đường nhựa, linh hoạt, đa dụng và rất ra dáng “thể thao”.

Sự trộn lẫn của tùm lum thứ, miễn là dùng được, kể cả thước ngắm thông minh Garmin Xero A1i giá cả nghìn USD - đúng rồi, bạn không lầm đâu, Garmin cũng sản xuất thiết bị ngắm cho cung đấy.

Cung trợ lực 3D/Field phù hợp cho: cá nhân đang sống ở nước ngoài.

9. Cung trẻ em với đầu giác hút

Đoán xem

Xem thêm các bài viết:

Bắn cung có nguy hiểm không?

Bắn cung có nguy hiểm không?

Như bạn đã biết rằng, cung là vũ khí thô sơ tầm xa, có khả năng phát xạ mũi tên rất mạnh, bắn mũi tên đi xa đến 500 mét! (cung trợ lực hiện đại, cung Thổ Nhĩ Kỳ,…). Liệu cung tên có thực sự nguy hiểm và mang lại nỗi lo ngại cho xã hội không?

Có – nếu bạn chơi ngu.

Chơi cung có bài bản – Không nguy hiểm. Cực kì an toàn.

CUNG TÊN CÓ TIỀM NĂNG CỦA VŨ KHÍ NGUY HIỂM

Ngày xưa cung tên là vũ khí dùng cho săn bắn và chiến tranh – dùng để sát sinh. Nó bắn ra mũi tên nhọn hoặc nhiều loại mũi tên bén, tẩm độc,…khác nhau. Là vũ khí “tay dài” với tầm hiệu quả không cao.

Trong bài viết Quy tắc an toàn Bắn cung, bạn có thể thấy chúng tôi có nêu ra những trường hợp mất an toàn và yêu cầu người tham gia bắn cung phải tuân thủ, cách phòng ngừa trước mắt và lâu dài cũng như đừng cố “chơi dại” với cung tên.

Trong các đôi bạn này, ai là người cầm loại vũ khí "ghê" hơn?

DAO LÀ “CÔNG CỤ” CÓ MẶT NHIỀU NHẤT TRONG CÁC VỤ GIẾT NGƯỜI. 

Theo số liệu ở Hoa Kỳ, thì người chết vì súng nhiều nhất, sau đó là dao và các dụng cụ cắt gọt. Có lẽ ở Việt Nam cũng thế thôi.

Những con dao trong nhà bếp của bạn thoạt nhìn rất bình thường và dễ tiếp cận. Ai cũng có. Có chuyện, rút dao ra và mọi người im lặng (bạn không nên làm thế). Dao vốn dĩ không nguy hiểm, nó chỉ là loại công cụ có cạnh bén. Nguy hiểm chính là người sử dụng nó.

Dễ tiếp cậndễ sử dụng, dao có tỉ lệ rơi vào tay kẻ xấu (hay người không biết dùng) cao, rất tiện lợi trong các tình huống “đặc biệt”. Đôi khi có người còn cải tiến nó thành “vũ khí” khủng hơn (như phóng lợn, mã tấu,..) và sức tàn phá gây ra là vô biên. Dao ngày càng cải tiến và có sức sát thương cao nếu dùng cho mục đích hại người. Chẳng phải trong các game hành động bắn súng bạn đều luôn được phát ít nhất một con dao? 1 hoặc 2 đòn là đủ hạ gục đối phương rồi.

Ảnh chụp màn hình trò chơi CS:GO

CUNG LÀ “VŨ KHÍ” TỆ NHẤT NẾU PHẢI CHỌN ĐỂ BEM NHAU 

  • Cung và tên có giá không rẻ. Không phải ai cũng mua được (được mua và muốn mua).
  • Cung thì to, dài, nặng. Mũi tên cũng dài. Kích thước như thế thì khó giấu, khó vận chuyển, khó lắp đặt và sẵn sàng cho các tình huống “đặc biệt”. Để bắn được cung, bạn còn phải có mang theo một số phụ kiện ngoại vi khác mới dùng được.
  • Cung thì quá vướng víu để có thể vừa cơ động vừa bắn, gần như phải đứng bằng 2 chân trên mặt đất mới dùng được, nỏ đủ mạnh thì bạn cần 1-3 phút để lên dây, lắp mũi tên và bắn.
  • Cung và nỏ hoạt động rất ồn (lên đến 90dB). Nên nó không hề “lén lút” như bạn nghĩ. Bắn cung trong nhà kín thì rất chói tai.
  • Cung và nỏ tốn nhiều thời gian để trang bị và sẵn sàng để dùng. Phải cầm cung cả 2 tay, căng dây, giương cung/nỏ, ngắm mục tiêu thì mới bắn được.
  • Không phải lúc nào cũng chính xác và trong tình huống căng thẳng, con người khó mà bình tĩnh để làm các “thủ tục” bắn cung để loại bỏ đối phương.
  • Để bắn chính xác (vô nghĩa nếu bắn không trúng), cung thủ cần phải luyện tập và được đào tạo trong thời gian dài. Bắn cung thì khó. Không đơn giản như đưa súng lên bóp cò xả tự động hay quờ quạng mã tấu là trúng mục tiêu.
    Thường thì “cung ai nấy dùng”, cần phải tinh chỉnh phù hợp theo từng người (và dùng quen). Không phải cứ nhặt cung lên là bắn được.
  • Cung bắn chậm. Bạn cần 3 đến 20 giây để bắn 1 mũi tên từ cung; 1 đến 3 phút để bắn một mũi tên từ nỏ. Vận tốc mũi tên trung bình chỉ từ 50-100m/s (hầu hết đạn hoả lực đều nhanh hơn tốc độ âm thanh, dao đâm người với tốc độ ánh sáng).
Cung thường cao, nặng, phải có tư thế đứng rất vững mới có thể bắn được những dòng cung hạng nặng.

“CÙI” NHƯ THẾ, VẬY SỐ PHẬN CỦA CUNG TÊN ĐI VỀ ĐÂU? 

Từ khi có sự xuất hiện của súng cầm tay, cung tên nhanh chóng lụi tàn trong quân đội cũng như các nhóm tội phạm khác. Chiến tranh quy mô bự không trọng dụng cung tên nữa. Châu Âu từ bỏ cung tên từ thế kỉ 16 (ở Châu Á phải đến đầu thế kỉ 19 mới hết thời). Cung tên không còn là vũ khí đáng sợ mang lại tai ương, chết chóc, mà chỉ là “ký ức” trong quá khứ. (mấy ông vua có mới nới cũ) 

Từ thế kỉ 17, cung tên dần trở thành thú tiêu khiển rải rác trong giới quý tộc phương tây. Phải đến thế kỉ 18, các tổ chức bắn cung giải trí, thi đua dần được thiết lập và giới thiệu đến công chúng. 

Từ biểu tượng của chiến tranh, giờ đã trở thành đồ chơi cho vui ở đồng cỏ.

Những năm 1840 đánh dấu sự chuyển mình của bắn cung giải trí thành bắn cung thể thao. Từ đó, các tiêu chuẩn của bộ môn, dụng cụ bắn cung được đưa ra và dần trở thành môn thể thao bình thường trên khắp thế giới (và cũng trở thành nền công nghiệp của Mỹ – cung tên hiện đại đều dùng ốc vít chuẩn hệ Inch, mang lại nhiều phiền phức cho các quốc gia dùng hệ SI (như Việt Nam và phần còn lại của thế giới))

Ở một số quốc gia (như Mỹ, Trung Quốc, Đức…) cho phép săn bắn thú rừng. Đây cũng là một loại hình thể thao (game) phổ biến, phục vụ nhu cầu giải trí cũng như giúp kiểm soát số lượng cá thể động vật trong khu vực. Ở Việt Nam thì cấm hoàn toàn việc săn bắn động vật hoang dã, nên bạn chỉ có thể tham gia bắn cung thể thao mục tiêu thôi nhé!

Tranh từ năm 1822, buổi tụ họp của hội "Cung thủ Hoàng gia Anh quốc".

BẮN CUNG KHÔNG NGUY HIỂM, MÀ CÒN LÀ BỘ MÔN AN TOÀN NHẤT

Nghe thật vô lý! Tin thì tin không tin thì tin. Kể từ khi súng được phát minh, số người thiệt mạng vì cung giảm đáng kể và dần đến con số 0.

Cung thì không nguy hiểm.
Mũi tên nhọn thì có nguy hiểm.
Việc bắn cung thì có tiềm năng nguy hiểm.
Bộ môn bắn cung thì lại là môn an toàn nhất (khi chơi đúng)

Sự phức tạpnhiều điều kiện rắc rối đã nêu ở trên đã làm chùn bước rất nhiều người tham gia bắn cung. Những cá nhân hấp tấp, ẩu tả, kém học thức sẽ không bao giờ/không có khả năng chấp nhận “chơi” cung (đến các cơ sở bắn cung sẽ bị đuổi).

Còn lại những cá nhân cẩn thận, nhận thức tốt, đạo đức tốt. Những con người này sẽ luôn biết họ đang làm gì, có trách nhiệm với hành động của mình, chấp hành các quy tắc an toàn và cố gắng giữ cho bản thân, mọi người được “lành lặn”.

Kết quả, không có chấn thương nghiêm trọng nào được ghi nhận trong môn bắn cung ở Việt Nam. Ở Câu lạc bộ Bắn cung Trần Quan, không có một trường hợp bị thương nặng nhẹ nào xảy ra từ khi bắt đầu thành lập (2016) đến giờ. Ở các quốc gia khác, bắn cung cũng được ghi nhận là một trong những môn thể thao ít có chấn thương nhất. (té ngã ở sân bắn cung là vi phạm nội quy, nên các trường bắn đều cấm chạy nhảy, đùa giỡn).

So sánh với các môn thể thao phổ biến khác, bạn có nhận ra rằng bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, xe đạp,… thì nguy hiểm và tỉ lệ chấn thương nhiều hơn đáng kế không? (gãy xương, bong gân, chuột rút, đứt dây chằng, tai nạn giao thông,…).

Tai nạn xảy ra hầu như không xảy ra bởi phương tiện hay thiết bị của môn đó, mà thường do chính người tham gia. Nếu không được đào tạo tốt, bản tính nóng nảy, cà chớn, không cẩn thận (hoặc xui xẻo) thì luôn có tai hoạ chờ sẵn cho đồng chí đó. An toàn là trên hết. Nhớ nhé, các cung thủ!

Chấp hành các qui định tại trường bắn - Mọi người khoẻ - Mọi người vui - Mọi người lành lặn :))

Tags: 

Từ khoá: bắn cung an toàn, quy tắc an toàn, bắn cung thể thao

Facebook
Twitter
LinkedIn
Pinterest
Tumblr